Rơle bảo vệ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện, nhằm phát hiện và nhanh chóng cô lập sự cố theo yêu cầu để đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người và sự ổn định của hệ thống cung cấp điện.
Việc thí nghiệm Rơle giúp các kỹ sư xác định được tình trạng vận hành của chúng, đảm bảo độ chính xác phục vụ cho công việc tính toán, chỉnh định và bảo vệ hệ thống điện. Hiện nay các hạng mục thí nghiệm này chủ yếu do các đơn vị dịch vụ thuộc các Tổng công ty Điện lực, Truyền tải điện, Phát điện và các Công ty thí nghiệm thực hiện.
Việc hiểu và làm chủ sơ đồ bảo vệ Rơle để vận hành, bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ đúng cách đối với rơle là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong hệ thống thuộc các Nhà máy điện với rất nhiều loại rơle bảo vệ của nhiều hãng sản xuất khác nhau. Để tích hợp các chức năng và làm chủ chúng đòi hỏi các kỹ sư phải có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm vận hành thực tế. Bởi vậy, các nội dung kiến thức liên quan tới hệ thống Rơle bảo vệ vẫn luôn là một trong những chủ đề “nóng” nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, kỹ sư trong ngành với nhu cầu nghiên cứu và đào tạo nâng cao.
Với mong muốn hỗ trợ tốt nhất tới khách hàng, đầu tháng 3 vừa qua ENTEC A&T phối hợp cùng Trường Đại học Điện lực (EPU) và hãng OMICRON đã tổ chức thành công khóa “Đào tạo chuyên đề Hệ thống bảo vệ Rơle và mạch nhị thứ” với sự tham dự của các kỹ sư tới từ Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy Điện EVN GENCO3.
Khóa đào tạo được thực hiện gồm 2 phần:
Phần 1 là 10 buổi đào tạo trong nước có sự tham gia giảng dạy của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tới từ Khoa Kỹ thuật điện – EPU gồm GS.VS. Trần Đình Long, TS. Vũ Thị Anh Thơ, ThS. Nguyễn Sỹ Chương cùng sự hỗ trợ từ các chuyên gia kỹ thuật của ENTEC A&T.
Học viên được hệ thống hóa kiến thức về hệ thống bảo vệ Rơle máy phát điện, động cơ, máy biến áp; hệ thống bảo vệ Rơle cho các Trạm biến áp từ 110kV đến 500kV; nắm được các chức năng tự giám sát trong Rơle số cùng các phương pháp thử nghiệm Rơle Kỹ thuật số cho các chức năng bảo vệ (khoảng cách, so lệch, quá dòng có hướng, kém áp – quá áp, …) của các hãng Siemens, MiCOM, SEL, ABB, Toshiba và được thực hành thực tế trên các Rơle SEL 787, SEL451, SEL351…
Đặc biệt, Phần 2 của khóa học là 5 ngày thực hành thí nghiệm các chức năng bảo vệ Rơle tại trụ sở OMICRON Academy Hong Kong.
Tại đây, cùng với các chuyên gia của hãng OMICRON, các học viên được thực hành trên hai hợp bộ thử nghiệm Rơle công nghệ hàng đầu thế giới là CMC 356 và CMC 256plus của hãng để thử nghiệm các chức năng như: bảo vệ khoảng cách (21), bảo vệ so lệch (87T, 87B, 87G, 87M, 87L), bảo vệ quá dòng có hướng (67/67N), bảo vệ chạm đất cuộn dây Stator và Rotor (64G, 64R), bảo vệ công suất ngược (32R), bảo vệ mất cân bằng tải (46), bảo vệ mất kích từ/quá kích từ (40), bảo vệ trượt cực từ (78), bảo vệ dao động công suất (68), bảo vệ tần số (81O, 81U), quá nhiệt cuộn dây Stator (49S), bảo vệ quá dòng (50/51), bảo vệ kém áp – quá áp (27/59), hòa đồng bộ (25) trên các Rơle của một số hãng phổ biến.
Khóa đào tạo kết thúc và nhận được sự hài lòng cũng như những phản hồi tích cực từ các thành viên tham dự về kết quả đạt được. Đây là một trong những cơ hội quý báu để học hỏi, chia sẻ với những chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao kiến thức và kinh nghiệm phục vụ cho công việc chuyên môn của mỗi thành viên!
Hy vọng ENTEC A&T sẽ có thêm nhiều cơ hội tổ chức những chương trình tương tự để tăng cường giao lưu hỗ trợ Quý khách hàng!